Phân biệt từ đồng âm Từ_đồng_âm_trong_Tiếng_Việt

Các từ đồng âm trong tiếng Việt có thể phân biệt bằng các phương pháp:

  • Dùng chữ Hánchữ Nôm để biểu nghĩa.
  • Lấy ví dụ để giải nghĩa (dùng từ phức, từ ghép hoặc gán từ đó vào một câu văn để miêu tả nghĩa).

Khi chữ Hánchữ Nôm (cơ bản thuộc dạng chữ tượng hình, sau được phát triển thành văn tự ngữ tố) ở Việt Nam vẫn còn phổ biến trước thế kỷ 20, việc phân biệt từ đồng âm trong tiếng Việt là khá dễ dàng bởi khả năng biểu nghĩa tốt của hai dạng ký tự này. Do các chữ đồng âm thì khác nét viết, nên chỉ nhìn chữ là tự động hiểu nghĩa mà không cần phải giải thích. Ví dụ:

  • "Đông" có các chữ Hán là 冬 (mùa "đông"), 東 (phía "đông"), 凍 ("đông" cứng); hay như "vũ" có các chữ là 宇 ("vũ" trụ), 羽 (lông "vũ"), 雨 ("vũ" phong - nghĩa là "mưa"), 武 ("vũ" khí), 舞 ("vũ" công - nghĩa là "múa").
  • "Tham quan" có hai từ đồng âm khác nghĩa: 參観 (trong "đi tham quan ngắm cảnh") và 貪官  (trong "tên tham quan xấu xa").
  • "Năm" trong chữ Nôm có hai chữ là 𢆥 (ghép 南+年, "năm" trong "ngày tháng năm", chữ nam 南 gợi âm, chữ niên 年 gợi nghĩa) và 𠄼 (ghép 南+五, "năm" trong "số 5", chữ nam 南 gợi âm, chữ ngũ 五 gợi nghĩa).
  • Rất ít chữ mang hai nghĩa trở lên như 重 (có hai âm Hán Việt là trọng nghĩa là "nặng" và trùng nghĩa là "chồng lên, trùng nhau") hay 長 (có hai âm Hán Việt là trường nghĩa là "dài" và trưởng nghĩa là "người chỉ huy, đứng đầu"), nhưng âm đọc cho mỗi nghĩa là khác nhau, nên chúng không phải là từ đồng âm.

Tuy nhiên hiện nay chữ Quốc ngữ (thuộc dạng chữ tượng thanh) chỉ có thể biểu âm lại đang là chữ viết chính của tiếng Việt, đồng thời chữ Hán và chữ Nôm rất hiếm khi dùng, việc đồng âm khác nghĩa và hiểu sai nghĩa trong tiếng Việt đang xảy ra ở mức độ thường xuyên hơn và đôi khi khá nghiêm trọng nếu không được giải thích rõ (đặc biệt là về danh từ riêng như tên người, tên địa danh). Ví dụ:

  • "Đại Ngu" - quốc hiệu thời nhà Hồ, nếu không giải thích thì sẽ thường bị hiểu theo một nghĩa rất xấu. Chữ Ngu (虞) trong quốc hiệu Đại Ngu (大虞) có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình", khác với chữ Ngu (愚) mang nghĩa là "ngu ngốc" (hai chữ "ngu" này viết chữ Hán là khác nhau).[1]
  • Nhiều người Việt hiện nay đang hiểu nhầm họ Tôn (孫) và họ Tôn Thất (尊室), hay họ Âu (區) và họ Âu Dương (歐陽) là cùng một họ (có thể thấy các chữ Hán đồng âm của các dòng họ là khác nhau).
  • Chữ thị (氏) trong nhiều tên phụ nữ Việt Nam có nghĩa là "thị tộc", "thuộc dòng họ" (như Phan thị - "họ Phan"). Tuy nhiên nhiều người Việt hiện nay không hiểu nghĩa đúng của chữ thị này nên hay "đoán mò" theo nghĩa khác như thị (市) trong "siêu thị (chợ), thành thị", thị (柿) trong "quả thị", thị (侍) trong "thị vệ, thị nữ", thị (示) trong "biểu thị", thị (視) trong "thị lực", thị (是) trong "thị phi, đích thị",...
  • Tỉnh Vĩnh Long viết theo chữ Hán là 永隆 (Vĩnh trong vĩnh viễn, vĩnh hằng, nghĩa là "mãi mãi"; Long trong long trọng, nghĩa là "thịnh vượng, giàu có"). Tên Vĩnh Long thể hiện mong muốn nơi đây luôn được thịnh vượng.[2] Tuy nhiên do không hiểu nghĩa, Vĩnh Long bị một bộ phận giới trẻ gọi là "Vĩnh Dragon" (không biết nghĩa của chữ Vĩnh và nhầm với chữ Long 龍 mang nghĩa là "rồng").[3]

Trong tiếng Việt, có những tên, từ vựng hay câu nói quen thuộc mà chỉ dùng chữ Quốc ngữ thì không đủ để giải thích rõ ràng được (như "kim tự tháp", "hình chữ nhật", "hội chữ thập đỏ", "mặt vuông chữ điền", "vắt chân chữ ngũ", "hào khí Đông A",...), vì những thứ này xuất phát từ việc mô tả theo chữ Hán và chữ Nôm mà ra, nên phải dùng thêm dạng ký tự này mới giải thích rõ được.

Những vấn đề về từ đồng âm khác nghĩa và hiểu sai nghĩa do chỉ dùng chữ Quốc ngữ mà không sử dụng kèm theo chữ Hán và chữ Nôm, đã từng được Giáo sư Cao Xuân Hạo đề cập đến trong các tác phẩm về ngôn ngữ học của ông như "Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt" hay "Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa":

"...Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt...Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai hoạ không còn hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn học bắt buộc ở trường phổ thông..."[4]

Việc chữ Hán có khả năng bổ nghĩa rõ ràng, giúp tránh đồng âm khác nghĩa là lý do chính khiến Nhật Bản quyết định không loại bỏ Kanji trong văn tự chính thức của tiếng Nhật mặc dù đã có hai dạng ký tự biểu âm là HiraganaKatakana. Tương tự với Hàn Quốc khi cho giảng dạy và sử dụng Hanja để bổ nghĩa cho tiếng Hàn mặc dù đã có chữ biểu âm Hangul.